Những điều cần biết về khám chữa bệnh ở Ý
Thời gian đầu sống ở nước ngoài mà lỡ đâu có đau ốm gì thì hầu như lúc đầu ai cũng rơi vào trạng thái hoang mang không biết phải làm gì. Điều đầu tiên mà mọi người hay làm hầu như là hỏi người thân hoặc hỏi.. bác Gúc gờ, mà càng đọc càng hoang mang. Nếu bạn đang trong tình trạng đó thì bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về quy trình khám chữa bệnh ở Ý.
Nội dung
Nên dùng bảo hiểm y tế loại nào?
Hồi đầu sang Ý học, khi đi làm permesso di soggiorno (thẻ cư trú) đa phần ai cũng chọn loại bảo hiểm 98€ của INA Assitalia mà Generali đổi tên thành Wai bây giờ (giá tiền cũng tăng lên 120€). Yến cũng không ngoại lệ.
Bảo hiểm này đa phần chỉ áp dụng được trong những trường hợp cấp bách như đi cấp cứu hay bệnh đột xuất. Còn lại, nếu muốn đi thăm khám, xét nghiệm bình thường ở bệnh viện thì lại phải đóng 149,77 euro cho bảo hiểm y tế công.
Hồi đó nghĩ “ôi dào, quan trọng gì chắc chẳng có sao đâu mà!” Nói chung cũng may vì trong suốt thời gian sinh viên cũng không bao giờ phải đi viện hay đau ốm gì. Thế nhưng, sau này khi đi làm rồi và được dùng dịch vụ y tế công của Ý thì Yến mới thấy tầm quan trọng của việc được chăm sóc sức khỏe mọi lúc mọi nơi là thế nào.
Thế nên, mình luôn khuyến khích bạn chọn dịch vụ y tế công ngay từ đầu để làm permesso di soggiorno vì chi phí không quá đắt mà lại được quyền khám chữa bệnh như người Ý.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết về permesso di soggiorno (giấy phép cư trú)
Dịch vụ y tế công ở Ý
Ngoài trừ khoản quy trình hơi nhiêu khê và thời gian chờ đợi thì chất lượng chăm sóc sức khỏe của Ý nhìn chung là khá tốt.
Một số lợi ích có được khi dùng dịch vụ y tế công ở đây là:
- Khám chữa bệnh ở bệnh viện với chi phí ưu đãi hoặc miễn phí tùy trường hợp (thu nhập, tình trạng bệnh, độ tuổi…)
- Thuốc men được trợ giá khi có đơn thuốc của bác sĩ
- Miễn phí điều trị tại bệnh viện khi phải nhập viện, cấp cứu hoặc khi sinh đẻ
- Chọn bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi miễn phí
Để có thể được thăm khám chữa bệnh như người Ý thì điều đầu tiên bạn cần làm là đến ASL (cơ quan y tế địa phương) để:
- đăng kí dịch vụ y tế công (Servizio sanitario nazionale) và thẻ y tế (tessera sanitaria)
- chọn bác sĩ gia đình (medico di base)
Nếu bạn là người hiện đi làm, trong thời gian chờ việc hay ở Ý diện đoàn tụ gia đình thì việc này hoàn toàn miễn phí. Còn nếu bạn là sinh viên thì cần đóng 149,77 euro/năm ở bưu điện trước khi đến ASL (bảo hiểm có hiệu lực từ 1/1 đến 31/12).
Xem thêm về quy trình làm thẻ y tế ở bài: Cách làm 5 giấy tờ quan trọng cần có khi sống ở Ý
Quy trình khám chữa bệnh thông thường (trong trường hợp có bác sĩ gia đình)
Nếu bạn có điều gì bất thường về sức khỏe mà không gấp tới mức cấp cứu, thì đầu tiên cần đến gặp bác sĩ gia đình trước:
- Nếu là bệnh nhẹ phổ thông thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc luôn.
- Còn không thì bác sĩ sẽ viết đơn xét nghiệm (impegnativa) để mình đi khám tiếp ở bệnh viện hoặc cơ sở chuyên môn.
- Sau khi có đơn của bác sĩ thì cần đặt lịch khám ở bệnh viện (có thể đến tận nơi, gọi số CUP của từng bệnh viện, hoặc gọi số trung tâm của vùng). Cái khoản đặt lịch hẹn này thì cũng trời ơi đất hỡi lắm. Hên xui có khi phải 1, 2, hay thậm chí 3 tháng trời! Còn nếu chỉ là xét nghiệm máu hay nước tiểu thông thường thì một số bệnh viện có thể không cần đặt trước mà cứ tới ngày giờ là tới thôi.
- Sau khi khám xong rồi thì dựa vào kết quả bác sĩ gia đình sẽ viết đơn thuốc cho mình.
Ở Ý chỉ với đơn xét nghiệm của bác sĩ thì mới đi khám ở bệnh viện được. Khó có chuyện chạy qua bệnh viện, khám xong rồi lấy kết quả liền như Việt Nam lắm. Nhiều kết quả xét nghiệm có khi cả 1 tuần mới có. Nếu muốn nhanh gọn lẹ thì phải đi phòng khám tư và tất nhiên chi phí hơi..đau ví một tí.
Như vậy, có thể thấy ngoài khám bệnh thông thường, vai trò chính của bác sĩ gia đình là kê đơn thuốc, viết đơn xét nghiệm hay giấy chứng nhận nghỉ ốm.
Guardia medica (continuità assistenziale)
Tuy nhiên, bác sĩ gia đình chỉ làm việc vài tiếng mỗi ngày, trước hay vào ngày lễ lại nghỉ. Vậy, lúc cần bác sĩ gia đình vào ngày nghỉ lễ thì thế nào?
Trong trường hợp này đã có Guardia medica (hay servizio di continuità assistenziale), vốn ra đời để đảm bảo dịch vụ y tế luôn được liên tục ngay cả khi bác sĩ gia đình không có mặt.
Thông thường guardia medica giải quyết những vấn đề không thể trì hoãn đến hôm sau, ví dụ như:
- Viết đơn xét nghiệm khẩn
- Kê đơn thuốc thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp
- Đề nghị điều trị tại bệnh viện
- Viết chứng nhận nghỉ ốm cho thời gian tối đa 3 ngày, nếu thực sự cần thiết
Đặc biệt, ở những thành phố du lịch vào mùa cao điểm còn có dịch vụ y tế dành cho khách du lịch (cả người Ý lẫn nước ngoài), hay còn gọi là guardia medica turistica. Tất nhiên dịch vụ này chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh không đến nỗi đi cấp cứu, nhưng không thể trì hoãn lâu. Chi phí khám bệnh sẽ tùy mỗi vùng mà khác nhau.
Chi phí xét nghiệm và điều trị ở bệnh viện
Như đã nói ở trên, sau khi có đơn xét nghiệm của bác sĩ thì cần đặt lịch hẹn rồi đi khám ở bệnh viện. Vậy, các xét nghiệm ở bệnh viện là miễn phí hay phải trả tiền? Câu trả lời là.. tùy!
Ở Ý trước khi khám bệnh ở bệnh viện bạn phải đến quầy thanh toán lấy số, sau đó trình đơn xét nghiệm, thẻ y tế và trả “ticket”, hay được hiểu là khoản phí y tế. Tùy từng trường hợp mà ticket sẽ khác nhau. Tuy nhiên, chi phí này có thể được miễn giảm dựa trên thu nhập, hoàn cảnh xã hội, độ tuổi, tình trạng bệnh được công nhận (phải có chứng nhận bệnh từ ASL), v.v. Ở mỗi vùng cũng có những quy định khác nhau về phí khám bệnh nữa.
Ví dụ, ở vùng Lazio nếu tôi bị một loại bệnh nào đó, như tiểu đường chẳng hạn, thì tất cả mọi xét nghiệm liên quan đến tiểu đường sẽ miễn phí.
Còn chẳng may nếu phải nhập viện để điều trị một bệnh nào đó thì phần lớn là miễn phí hoặc chỉ trả phí rất tượng trưng.
Đây cũng là một trong những ưu điểm rất lớn của nền y tế công của Ý, mặc dù khoản quy trình hơi nhiêu khê. Nói chung là, cái gì cũng có giá của nó!
Mua thuốc ở Ý
Chi phí thuốc men ở đây cũng được trợ giá rất nhiều. Có 2 danh mục thuốc:
- Thuốc không nằm trong danh mục trợ giá hoặc những loại thuốc thông thường như giảm đau, vitamin, v.v. (mà không cần đơn thuốc) thì phải trả giá đầy đủ.
- Nhưng nếu là thuốc đặc trị trong danh mục được trợ giá thì có khi chỉ có giá tượng trưng (kiểu.. 1, 2€) hoặc miễn phí tùy trường hợp.
Để được mua thuốc thì bạn cần mang theo thẻ y tế và đơn thuốc của bác sĩ. Hiện nay ngoài đơn thuốc màu đỏ truyền thống (form giống đơn xét nghiệm) thì còn có đơn thuốc điện tử rất tiện. Khi đến nhà thuốc dược sĩ chỉ cần nhập mã đơn thuốc là xong.
Các bạn lưu ý là nếu trong trường hợp bạn đã đi làm thì mọi chi phí y tế từ xét nghiệm đến mua thuốc đều nên giữ lại hóa đơn, để có gì còn khai trừ thuế hàng năm (khi làm 730).
Quy trình khám chữa bệnh ở phòng cấp cứu (pronto soccorso)
Nếu chẳng may bạn phải đi cấp cứu thì đầu tiên cần gọi ngay số 112 (số khẩn cấp chung cho mọi trường hợp). Ngày trước có số 118, nhưng nếu có gọi 118 thì cuộc gọi cũng sẽ được chuyển đến tổng đài của 112.
Sau đó, khi đến Pronto Soccorso (khu cấp cứu) ở bệnh viện, bạn cần đến ngay khu vực triage, tức là nơi tiếp nhận bệnh nhân và phân loại mức độ khẩn cấp bằng một vòng đeo tay với 5 màu khác nhau:
- Màu đỏ – tình trạng rất khẩn cấp (emergenza): cần nhập viện ngay để điều trị
- Màu cam – khẩn cấp (urgenza): thời gian chờ nhập viện điều trị trong vòng 15 phút
- Màu xanh dương – khẩn cấp có thể trì hoãn (urgenza differibile): thời gian chờ nhập viện điều trị trong vòng 60 phút
- Màu xanh lá cây – khẩn cấp nhẹ (urgenza minore): thời gian chờ nhập viện điều trị trong vòng 120 phút
- Màu trắng – không khẩn cấp (non urgenza): thời gian chờ nhập viện điều trị trong vòng 240 phút
Ở Ý khi đi cấp cứu không có chuyện ưu tiên ai đến sớm khám sớm mà đều phải theo mức độ khẩn cấp. Việc phân loại màu sắc này tất nhiện dựa vào tình trạng bệnh: chức năng suy giảm, có nguy cơ đến tính mạng hay không, tình trạng tiến triển xấu hay ổn định, đau nặng hay nhẹ, việc điều trị phức tạp hay đơn giản.
Những trường hợp nhập viện để điều trị cấp cứu đều không phải trả tiền. Riêng những trường hợp màu trắng (không khẩn cấp) thì ở một số nơi có thể phải trả một khoản phí ở bệnh viện.
Tạm kết
Nói tóm lại, quy trình khám chữa bệnh ở Ý hơi cồng kềnh một tí, vì phải đi theo hệ thống và tất cả đều phải qua bác sĩ gia đình (đi khám bệnh, lấy đơn thuốc, xin giấy nghỉ bệnh ở công ty..). Thêm chuyện thời gian chờ đợi để khám và lấy kết quả cũng rất lê thê. Nhưng bù lại, chi phí được ưu đãi rất nhiều và chẳng may khi phải nhập viện thì trang thiết bị lẫn điều kiện chăm sóc sức khỏe đều tốt.
Nhưng nói chung dù thế nào thì khi sống ở nơi xứ người việc giữ sức khỏe vẫn là điều quan trọng, nhất là trong thời Covid. Hy vọng bài này có ích và giúp bạn phần nào hiểu được hệ thống y tế công của Ý hoạt động như thế nào. Bạn có kinh nghiệm đi khám bệnh ở Ý hay nước khác? Hãy chia sẻ và trao đổi ở phản hồi nhé!