Ăn uống ở Ý: ăn thế nào và sao cho chuẩn
Ẩm thực

Ăn uống ở Ý: ăn thế nào và sao cho phù hợp

Những ai yêu thích ẩm thực Ý ít nhiều đều biết các món nổi tiếng. Thưởng thức các món ăn đặc trưng cũng là một phần không thể thiếu trong bất kì chuyến du lịch ở Ý nào. Thế nhưng, khi ăn uống ở Ý bạn có chắc mình đã theo đúng phong tục tập quán?

Để giúp bạn giải đáp câu hỏi này và hiểu rõ hơn về ẩm thực Ý, hôm nay Yến sẽ tỉ tê tâm sự với bạn về văn hóa và thói quen ăn uống ở Ý.

Nội dung

Một bữa ăn kiểu Ý hoàn chỉnh

Thường khi đi ăn tiệc hoặc ăn ở nhà hàng, người Ý thường ăn theo thứ tự như sau:

  • Antipasto (khai vị): thường là các món ăn nhẹ, có rất nhiều món nhưng khai vị kiểu Ý đặc trưng nhất là các loại phô mai ăn kèm với thịt nguội (prosciutto, salame) và ôliu.
  • Primo (món đầu tiên): đây là món ăn “nặng đô” nhất vì có chứa tinh bột như pasta (mì) hoặc risotto (cơm kiểu Ý).
  • Secondo (món thứ hai): tức là các món thịt hoặc hải sản.
  • Contorno (món rau): salad, rau nướng, luộc, xào thường được phục vụ kèm với secondo.
  • Tráng miệng: kem, trái cây, bánh ngọt
  • Cà phê hoặc digestivo (rượu giúp tiêu hóa sau bữa ăn): có rất nhiều loại digestivo, nhưng phổ biến nhất là các loại grappa, amaro, limoncello.
Mon khai vi phong phu voi cac loai thit nguoi va pho mai Y
Món khai vị đặc trưng kiểu Ý. Ảnh từ Unsplash

Người Ý không ăn các món này lẫn lộn cùng nhau, mà theo thứ tự rất rõ ràng. Chủ nhà hoặc nhân viên phục vụ sẽ đợi khách ăn hết một món rồi mới tiếp tục phục vụ món tiếp theo. Xuyên suốt cả bữa ăn lúc nào bánh mì cũng được hiện diện trên bàn ăn. Ăn hết cả một menu như vậy rồi ngồi bàn chuyện có khi kéo dài cả 2 hay 3 tiếng.

Đặc biệt, khi đi ăn đám cưới, có thể có cả 2 món primo và 2 món secondo. Để chuyển từ món hải sản sang món thịt, thường sẽ có sorbetto (sorbet) để giúp tráng miệng và không bị lẫn lộn vị giữa các món.

Vậy người Ý ngày nào cũng ăn uống như vậy ở nhà? Không hề! Họ thường chỉ ăn một món cho mỗi bữa thôi. Chỉ có khi nào chủ nhật hay lễ lớn trong gia đình họ mới làm menu đầy đủ.

Cần lưu ý gì khi ăn uống ở Ý

Có một số quy tắc ứng xử lịch sử (galateo) mà bạn nên lưu ý khi ăn nhà hàng cùng người Ý:

  • Tránh ợ hơi: ở Ý đây là điều tối kị, dù là ở trên bàn ăn hay ở bất kì nơi công cộng nào.
  • Tránh nhai thành tiếng: Dù là ăn món súp hay bất kì món gì thì khi ăn đều nên tránh nhai thành tiếng. Điều này không chỉ ở nhà hàng mà cả ở nhà cũng vậy. Có một lần Yến ăn cùng bạn cùng nhà do không để ý nhai phát ra tiếng là bị nhắc nhở ngay 😅.
  • Cách đặt dao nĩa: Khi ăn xong rồi thì dao nĩa nên được đặt song song trên đĩa. Còn nếu bạn vẫn đang ăn thì hãy đặt đầu dao và nĩa trên đĩa hướng vào nhau. Điều này sẽ giúp cho nhân viên phục vụ biết để mang món mới ra hay không.
  • Tránh dùng tay: Việc dùng tay đụng thức ăn được xem là không lịch sự, trừ việc cầm bánh mì. Ngay cả bóc vỏ tôm cũng nên được thực hiện bằng dao nĩa. Tuy nhiên, khi ăn khoai tây chiên ở pub hoặc nơi không trang trọng quá thì cũng rất nhiều người dùng tay.

Vậy còn tips thì sao? Đi ăn ở Ý có cần tips không? Nói chung là.. tùy hỉ! Nếu dịch vụ quá xuất sắc thì bạn có thể tips 5-10%. Còn không thì không cần, vì thường trong hóa đơn bao giờ cũng có phí dịch vụ (coperto) tầm 1-2 euro.

Các bữa ăn của người Ý

Bữa sáng

Người Ý bắt đầu một ngày mới rất nhẹ nhàng với 1 tách cà phê và bánh ngọt, thường là bánh sừng bò (cornetto trong tiếng Ý). Có nhiều người thậm chí còn chỉ uống mỗi cà phê.

Họ không quen ăn mặn hay ăn quá nhiều vào buổi sáng. Nên mỗi khi tâm sự với các bạn là ở quê choa sáng toàn ăn cơm, ăn phở các bạn toàn trố mắt ngạc nhiên.

Văn hóa ăn uống ở Ý: bữa sáng đặc trưng với cappuccino và bánh sừng bò
Bữa sáng đặc trưng ở Ý

Bữa sáng thường được phục vụ ở bar. Các bạn lưu ý ở Ý khi nói đến bar người ta sẽ hiểu là bar caffè, còn đi bar kiểu uống rượu sẽ dùng từ pub. Đa phần mọi người toàn đứng uống cà phê ăn bánh ngọt tại quầy cho nhanh gọn lẹ.

Nói đến cà phê sáng ở Ý thì muôn màu muôn vẻ lắm, hơn một chục loại chứ chẳng đùa. Ai thích đậm đà cho tỉnh người thì hãy họn espresso. Nếu thích espresso nhiều nước hơn một chút thì có caffè lungo. Nhẹ đô hơn một tí là caffè macchiato (cà phê nhiều sữa ít). Nhẹ nhàng dịu dàng hơn nữa thì cappuccino (cà phê có bọt sữa bên trên) hay latte macchiato (sữa nhiều, cà phê ít). Ai không uống được caffein thì có luôn caffè decaffeinato hay caffè d’orzo.

Trên đây chỉ là một vài loại, chứ danh sách vẫn còn dài lắm. Đặc biệt, ở Ý cappuccino không được uống từ lúc trưa trở đi vì có sữa nên khó tiêu hóa. Sau bữa ăn người Ý chỉ uống espresso để tỉnh người mà giúp nhanh tiêu.

Bữa trưa

Do thời gian đi làm, đi học có hạn, bữa trưa ở Ý thường chú trọng vào việc nhanh chóng và đơn giản. Giờ ăn trưa thường là từ 13h đến 14h. Chỉ cần 1 cái sandwich, 1 vài miếng pizza, hay 1 đĩa mì Ý, tô salad to bự ở quán bar, cửa hàng pizza takeaway, hay nhà hàng nào đó là cũng xong bữa.

Ở Ý, các quán bar cũng có bán cả các thức ăn nhanh như sandwich (tramezzini) hay bánh mì kẹp (panini). Nếu nơi nào có tavola calda (dịch nghĩa đen là “bàn nóng”) thì ở đó có bán các món ăn nóng nhanh gọn như arancini, supplì, hay một vài món mì, thịt hay rau.

Các bạn sinh viên đại học hay thậm chí nhân viên của một tổ chức lớn thì còn một lựa chọn khác nữa là mensa (căng tin). Trong mensa thường là self-service với rất nhiều lựa chọn, từ mì, cơm, thịt, cá đến rau rồi tráng miệng.

Aperitivo

Sau giờ làm và trước giờ ăn tối bạn muốn ăn nhẹ cùng đồng nghiệp mà nhà hàng chưa mở? Bạn muốn chọn nơi nào đó để hẹn hò với hội bạn thân và tám chuyện?

Tất cả đều nằm trong một giải pháp: APERITIVO!

Aperitivo kiểu Ý với spritz và các món fingerfood
Ảnh từ Unsplash

Aperitivo (aperitif trong tiếng Anh) thường vào khoảng 18h đến 21h. Đó là các thức uống có cồn hoặc không cồn dùng uống trước bữa tối để kích thích khẩu vị. Nếu theo đúng sách vở là đi uống aperitivo xong sẽ đi ăn tối.

Aperitivo không chỉ có đồ uống mà còn cả thức ăn đi kèm. Nơi làm đơn giản thì chỉ phục vụ các món ăn chơi như chips, ôliu, taralli, đậu phộng. Nơi đầu tư hơn thì có hẳn một buffet với đầy đủ các món từ mì Ý, pizza, thịt, rau, đến đồ ngọt.

Trong trường hợp thứ hai thì không cần ăn tối lúc sau luôn và thay vì aperitivo người ta gọi là apericena (kết hợp giữa aperitivo và cena – ăn tối). Nơi nào làm apericena thì có thể mở đến 22h hoặc 22h30. Ở Milan, nơi nổi tiếng nhất về aperitivo, thì thường là làm theo kiểu apericena nhiều hơn.

Thức uống có cồn đặc trưng và phổ biến nhất cho aperitivo ở Ý là spritz, bao gồm aperol hoặc campari pha với prosecco và soda (ly màu cam trong hình). Ngoài spritz thì có thể chọn các loại cocktail, rượu vang, hay prosecco. Giá một lần aperitivo dao động khoảng 5-10 euro tùy nơi.

Aperitivo là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Ý và phổ biến ở khắp mọi nơi. Nên khi đến Ý nhất định bạn phải thử một lần cho biết.

Bữa tối

Cũng như các nước Địa Trung Hải khác, giờ ăn tối ở Ý khá muộn. Thông thường là vào khoảng 8h – 9h tối. Ở miền Nam Ý nếu mà đi ăn ngoài thì có khi 9h30 – 10h30 mới ăn.

Bữa tối là bữa quan trọng nhất, vì đây là lúc tất cả thành viên trong gia đình ăn uống cùng nhau sau một ngày dài. Món ăn có thể là mì/cơm hoặc thịt/cá kèm rau tùy bữa. Như nhà mình nếu trưa đã ăn mì thì thường tối sẽ chọn món thịt hoặc cá để nhẹ nhàng hơn. Vì là lúc thư giãn nhất trong ngày nên thỉnh thoảng lại cho phép mình một ly vang nhẹ.


Nói về việc ăn uống ở Ý thì thực sự nói cả ngày không hết vì có quá nhiều thứ để bàn sâu. Thậm chí đến giờ sau bao nhiêu năm sống ở đây Yến vẫn không ngừng quan sát và học hỏi. Hy vọng bài viết này có ích cho những ai yêu thích văn hóa ẩm thực Ý và chúc bạn qua Ý sẽ nhập gia tùy tục đúng như một người bản địa!

2 Comments

    • Yen

      Người Ý ăn đậm đà lắm em. Một số người ăn không quen thì hay nói mặn do ở đây họ chỉ dùng muối, tiêu hay các loại lá thơm để nấu ăn chứ không dùng gia vị nào khác nhưng ăn quen rồi sẽ thấy rất ngon.

Leave a Reply