Giáng Sinh ở Ý có gì khác biệt?
Văn hoá

Giáng sinh ở Ý được tổ chức thế nào?

Những ngày này tiết trời se lạnh, đường phố lung linh trong ánh đèn, người người nhà nhà tấp nập ra phố sắm quà, mua đồ trang hoàng cho nhà cửa. Đây là không khí rất đặc trưng mỗi độ Giáng Sinh sắp về ở Ý.

Giáng Sinh (Natale) là mùa lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là dịp để mọi người trong gia đình đoàn tụ và trao gửi yêu thương. Vậy, Giáng Sinh ở Ý được tổ chức thế nào và có gì khác so với những gì mình tưởng tượng? Người Ý ăn gì vào dịp Giáng Sinh? Hãy tìm hiểu cùng Yến nhé!

Nội dung

Ngày bắt đầu mùa Giáng Sinh ở Ý

Nhắc đến Giáng Sinh hầu như ai cũng nghĩ ngay đến 24/12. Thế nhưng ở Ý, không chỉ có những ngày chính mới được tính, mà mùa lễ hội bắt đầu trước đó.. cả hơn 2 tuần. Chính xác hơn, cột mốc đánh dấu sự bắt đầu của mùa Giáng Sinh là 8/12, ngày Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immacolata Concezione).

Ở Ý ngày này được tính là lễ quốc gia chính thức, do đó trường học và cơ quan đều đóng cửa. Theo truyền thống, đây cũng là ngày các gia đình tất bật hoàn thành trang trí cây thông, trang hoàng nhà cửa hay hang đá. Đường phố cũng bắt đầu được thắp đèn sáng lộng lẫy, tuy một số cửa hàng hay quán xá cũng có thể hoàn thành việc trang trí trước đó.

Xem thêm: Gubbio và cây thông Noel lớn nhất thế giới

Cả gia đình cùng quây quần trang trí cây thông Noel

Tuy nhiên, ở một vài thành phố ngày bắt đầu mùa lễ hội có thể sẽ bị xê dịch một chút. Chẳng hạn, ở Bari (vùng Puglia) sẽ bắt đầu ngày 6/12 vào lễ San Nicola, hay ở Milan lại là ngày 7/12 vào lễ Sant’Ambrogio.

Sau đó sẽ là series những bữa tiệc tối mừng Giáng Sinh ở nhà bạn bè hoặc được công ty tổ chức. Nói nôm na là giống như đi ăn tất niên trước Tết ở bên mình vậy.

Các ngày chính trong mùa Giáng Sinh ở Ý

Ở Ý có câu “Natale con i tuoi, Pasqua con chi vuoi“, dịch sơ là Giáng Sinh với cha mẹ, còn Phục Sinh thì với ai cũng được. Bấy nhiêu là đủ hiểu tầm quan trọng của sự đoàn tụ gia đình trong Giáng Sinh, cũng y hệt như Tết bên mình.

Mùa Giáng Sinh ở Ý có tận..3 ngày quan trọng, chứ không chỉ có mỗi đêm 24/12 như bên mình vẫn hay nghĩ. Nói chung trong những ngày này chỉ ăn và..lăn, vì đã xác định ngồi vào bàn ăn là mấy tiếng sau mới đứng dậy được. Cùng với ăn uống là những hoạt động bên lề như đi lễ, chơi bài hay trò chơi, trao quà trong gia đình rất vui.

24/12 (la vigilia di Natale)

Tuy ở khắp nước Ý có những truyền thống chung nhất định, nhưng mỗi gia đình cũng có thói quen và cách tổ chức của riêng mình. Có nhà quan trọng bữa tối đêm 24, có nhà thì lại quan trọng bữa trưa 25 hơn. Nhưng dù là bữa nào thì thức ăn cũng luôn ngập tràn 😅. Trong những ngày lễ hầu hết bàn tiệc luôn đầy đủ các món từ khai vị, món đầu (pasta/ risotto), món thứ hai (thịt/ hải sản) và rau, rồi đồ ngọt.

Xem thêm: Ăn uống ở Ý: ăn thế nào và sao cho phù hợp

Tương ứng như vậy, cả việc đi lễ nhà thờ cũng tùy nhà. Có nhà thì đi lễ đêm 24, có nhà thì lại đi lễ sáng 25 rồi về ăn trưa cùng gia đình.

Đêm 24 theo truyền thống thực đơn chủ yếu là hải sản. Vì theo Giáo Hội Công Giáo đêm Giáng Sinh được xem là ngày chay và tránh ăn thịt (giống các thứ 6 Mùa Chay). Các món ăn rất phong phú và tùy sự lựa chọn của từng nhà, nhưng đa phần là các món cầu kì hơn ngày thường một chút.

Món ăn hải sản đêm Giáng Sinh ở Ý
Một vài món khai vị hải sản đêm Noel

Nhà nào mà không đi lễ thì thường sau ăn tối sẽ đợi đến nửa đêm để mừng Giáng Sinh. Như nhà mình là vào thời điểm này sẽ hát một bài về Giáng Sinh và đặt tượng Chúa Hài Đồng vào hang đá nhỏ dưới cây thông. Rồi sau đó mọi người sẽ trao quà cho nhau, ngồi chơi tombola, hay các trò board game (monopoli, risiko..) tới tận sáng. Một số nhà có trẻ con thì có khi chờ tới sáng hôm sau mới mở quà, vì để ông già Noel còn có thời gian ghé thăm nhà lúc nửa đêm.

25/12 (il Natale)

Ngày này mới chính thức được tính là ngày Giáng Sinh, chứ không phải 24/12. Vì vậy trên lịch chỉ có ngày 25 và 26 mới được tính là ngày lễ (màu đỏ). Nếu như đêm 24 các nhà thường ăn hải sản, thì bữa trưa 25 thường ăn thịt.

Vậy, người Ý ăn gì vào dịp Giáng Sinh? Rất khó để có một câu trả lời chung, vì mỗi vùng đều có những món ăn riêng của mình. Chẳng hạn:

  • vùng Trentino Alto Adige thì có canederli, thịt hươu sao;
  • vùng Lombardia có món lươn bỏ lò;
  • vùng Piemonte nổi tiếng bởi agnolotti và thịt hầm cùng các nước sốt;
  • vùng Emilia Romagna không thể thiếu passatelli hay tortellini ăn kèm nước soup;
  • còn vùng Campania thì lại có món insalata di rinforzo (salad tổng hợp với rất nhiều loại rau), spaghetti sốt ngao, lươn chiên, hải sản chiên giòn.

Nhưng có thể kể đến 2 loại bánh ngọt phổ biến nhất mà cứ tầm 1 tháng trước Noel là lại thấy siêu thị khắp nơi bán ngập tràn:

  • Pandoro: bánh mềm, xốp được phủ đường cát mịn bên trên có nguồn gốc từ Verona.
  • Panettone: bánh có xuất xứ từ Milan và có hình dáng cũng “cao to” gần giống pandoro nhưng bên trong có kẹo trái cây, nho khô, hoa quả sấy khô, hoặc chocolate, kem.
Panettone là bánh ngọt Giáng Sinh phổ biến ở Ý
Panettone – bánh ngọt Giáng Sinh đặc trưng ở Ý

Ngoài 2 loại bánh này thì mỗi địa phương lại có các bánh ngọt khác nhau của mình. Cùng với bánh ngọt, trong dịp Giáng Sinh người Ý cũng hay ăn các loại hạt (hạt dẻ cười, hạnh nhân..) hay hoa quả sấy khô.

26/12 (Santo Stefano)

Ngày 26/12 ở Ý là ngày dành cho thánh Stefano. Đây là thánh tử đạo đầu tiên của đạo Thiên Chúa và không phải ngẫu nhiên mà ngày dành riêng cho ông được chọn ngay sau ngày của Chúa.

Thông thường ngày này chủ yếu ăn những đồ còn thừa lại của 2 ngày trước, hoặc ăn menu nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như các món soup. Tất nhiên mỗi nhà lại một lựa chọn riêng về thức ăn cũng như cách tổ chức. Có nhà lại chẳng làm gì đặc biệt, chủ yếu dành thời gian với gia đình và bạn bè. Có nhà thì lại chọn đi chơi đâu đó trong ngày.

Epifania – ngày kết thúc mùa Giáng Sinh

Và bạn tưởng tới ngày 26/12 lễ Noel đã kết thúc? Khồng, vẫn còn 1 ngày khác quan trọng không kém: 6/1 (Epifania). Tới ngày này thì mùa Giáng Sinh chính thức được khép lại sau gần 1 tháng trời tính từ ngày 8/12. Mọi người sẽ dỡ cây thông, đường phố cũng tắt đèn trang trí.

Epifania là ngày kết thúc mùa Giáng Sinh ở Ý

Theo truyền thống, vào đêm giữa ngày 5 và 6/1 bà phù thủy (la befana) sẽ cưỡi chổi, đến từng nhà qua đường ống khói rồi để lại một chiếc vớ to treo trên lò sưởi. Bên trong chiếc vớ sẽ là kẹo hoặc quà cho em bé ngoan, còn than cho em bé hư.

Ở siêu thị trước dịp befana đều bán những chiếc vớ to ngập chocolate của các hãng nổi tiếng. Riêng nhà Yến cứ sáng ngày này là mấy đứa lại kéo nhau đến lò sưởi xem năm nay “bà phù thủy” tặng gì (dù biết năm nào cũng gần giống nhau).

Giáng Sinh ở Ý và những điều thú vị bên lề

Mô hình Giáng Sinh (presepe)

Vào dịp Giáng Sinh ở Ý rất phổ biến việc trang trí cho mô hình Giáng Sinh, hay còn gọi là presepe. Đây là mô hình tường thuật lại cảnh Chúa ra đời trong hang đá. Thường presepe hay được đặt tại nhà, các quảng trường và nhà thờ.

Mô hình Giáng Sinh presepe là một trong những biểu tượng Giáng Sinh ở Ý

Lịch sử kể lại rằng người đầu tiên khởi xướng cho truyền thống làm presepe tại Ý là thánh Phanxicô thành Assisi (San Francesco d’Assisi) vào năm 1223. Kể từ đó về sau việc trang trí presepe đã trở thành một truyền thống và biểu tượng của Giáng Sinh ở Ý.

Ở một số thành phố của Ý còn có các cuộc thi làm presepe đẹp nhất. Một trong những thành phố nổi tiếng nhất về presepe là Napoli (Naples). Ở đây có hẳn cả một con đường chuyên về presepe là Via San Gregorio Armeno, nơi có rất nhiều cửa hàng bán tượng và những đồ trang trí liên quan.

Lịch Mùa Vọng (Calendario dell’Avvento)

Lịch Mùa Vọng thường hay được phát cho trẻ em trước mùa Giáng Sinh

Lịch Mùa Vọng dùng để đếm những ngày chờ đợi tới ngày Giáng Sinh, thông thường là một bảng hình chữ nhật lớn với 24 ô từ ngày 1/12 đến 24/12 không theo thứ tự nhất định. Trong mỗi ô có thể là hình ảnh, một câu chuyện, câu thơ, hay món quà nhỏ (như chocolate). Tuy lịch Mùa Vọng không được khởi xướng từ Ý, nhưng đây cũng là một trong những đặc trưng rất thú vị của Giáng Sinh ở Ý và thường được tặng cho trẻ em trước ngày Noel.

Người phát quà cho trẻ em

Ông già Noel đi phát quà cho trẻ em

Phần lớn ai cũng biết ông già Noel (Babbo Natale) là người đi phát quà cho trẻ em vào đêm 24. Nhưng ở một số nơi của Ý còn có các nhân vật khác rất thú vị, ngoài bà phù thủy Befana đã nói ở trên.

Chẳng hạn, ở Trieste và một vài nơi khác của vùng Friuli – Venezia Giulia trẻ em sẽ nhận quà từ San Nicola vào sáng ngày 6/12.

Hay ở một số tỉnh ở miền Bắc Ý (vùng Lombardia, Veneto, Emilia Romagna) vào sáng 13/12 trẻ em sẽ nôn nao chờ đợi kẹo và quà hàng mơ ước từ Santa Lucia.

Theo truyền thống, đêm hôm trước Santa Lucia sẽ cưỡi một con lừa đi phát quà và phát tín hiệu cho các trẻ em bằng một tiếng chuông. Các em bé chỉ được phép nghe chứ không được cố tìm hay nhìn Santa Lucia, nếu không sẽ bị ném tro vào mắt. Để cảm ơn Santa Lucia trước khi đi ngủ các em bé sẽ chuẩn bị một ít bánh quy, đồ ngọt, sữa hay cà phê cho bà, và một ít bột cho con lừa. Sáng hôm sau thức dậy ngoài quà và kẹo thì các bé sẽ thấy phần thức ăn này bị vơi đi một ít, dấu hiệu chứng tỏ Santa Lucia đã ghé nhà.


Mùa lễ Giáng Sinh ở Ý khá là dài (từ 8/12 đến 6/1), mang đậm tính truyền thống và có văn hóa ẩm thực vùng miền rất phong phú. Nếu có dịp được đón Noel cùng với một gia đình Ý chắc chắn bạn sẽ rất thích vì không khí rất ấm áp và vui nhộn.

Chúc các bạn một mùa Giáng Sinh vui vẻ bên người thân dù là ở nơi đâu. Buon Natale a tutti!

2 Comments

Leave a Reply

%d bloggers like this: