Dau truong Colosseum 3
Rome,  Điểm đến

Khám phá Đấu trường Colosseum và La Mã cổ đại

Yến đặc biệt có hứng thú với nền văn minh La Mã cổ đại. Ngày trước khi học Lịch sử văn minh thế giới ở Việt Nam, Yến vẫn hay ngồi tưởng tượng cảnh quan văn võ sĩ mặc đồ thời La Mã đi lại, hội họp thế nào. Sau đó mỗi lần đến thăm đấu trường La Mã (Colosseum) và khu quần thể Roman Forum ở Rome, hình ảnh này lại trở lên sống động hơn bao giờ hết. 

Mặc dù đã đến đây không biết bao nhiêu lần nhưng Yến đều chưa bao giờ cảm thấy chán. Đến khu vực này các bạn sẽ cảm thấy như được quay về 2000 năm trước, khi vẫn còn các dinh thự hoàng đế lộng lẫy và các cuộc đấu tàn khốc đổ máu của các võ sĩ và thú dữ. 

Nội dung

Đấu trường La Mã (Colosseum)

Tips và thông tin bên lề:

  • Giá vé: 16 euro, bao gồm cả khu Roman Forum và đồi Palatine
  • Vé có hiệu lực trong vòng 24 giờ, riêng Colosseum có giờ vào ấn định cụ thể. 
  • Có thể đặt vé trước trên trang web chính thức của Colosseum. Phí booking là 2 euro. Nếu không nên xếp hàng từ rất sớm để tránh việc xếp hàng dài cả cây số vào giờ cao điểm.
  • Nếu hàng ở Colosseum dài quá thì các bạn có thể mua vé ở trước cổng vào đồi Palatine (ở đường Via di San Gregorio). Hàng ở đây thường ngắn hơn nhiều.

Đấu trường La Mã, Colosseum trong tiếng Anh hay Colosseo trong tiếng Ý, được xây vào khoảng năm 70-72 sau công nguyên dưới lệnh của Hoàng đế Vespasian. Đấu trường được khánh thành năm 80 SCN dưới thời hoàng đế Titus và có sức chứa tổng cộng 50.000 người. 

Để ăn mừng dịp khánh thành, hoàng đế Titus đã cho mở các cuộc đấu kéo dài 100 ngày đêm, với 5000 động vật hoang dã bị giết. Đây là một trong những công trình vĩ đại nhất của Đế chế La Mã và là nơi chứng kiến sự đổ máu cuả không biết bao nhiêu nô lệ và thú dữ.

Colosseum có tên gốc là Đấu hí trường Flavian (Flavian Amphitheatre). Sau đó được gọi là Colosseum, vì trước đây ngay chỗ đấu trường được xây dựng có bức tượng khổng lồ của Bạo chúa Nero (Colossus Neronis). Ngoài các cuộc đấu của võ sĩ và động vật hoang dã, đấu trường cũng được sử dụng để làm nơi giải trí, hành quyết, tập trận giả trên biển, hoặc săn thú. 

Dau truong Colosseum 1
Colosseum nhìn từ bên ngoài

Kết cấu bên ngoài đấu trường Colosseum

Colosseum là ví dụ điển hình cho kĩ thuật xây dựng tiến bộ vượt bậc của người La Mã. 

  • Tổng cộng đấu trường có 80 cổng vào và được thiết kế rất thông minh, đảm bảo người dân có thể lên xuống và tìm chỗ ngồi của mình trong tích tắc. Trên mỗi cổng vào đều được đánh dấu bằng số La Mã. Hiện giờ vẫn còn thấy được một vài số còn sót lại. 
  • Trên cùng trước đây có một tấm bạt che nắng che mưa khi các trận đấu được diễn ra.
  • Lớp tường ngoài cùng của đấu trường La Mã vốn được phủ hơn 100.000m3 đá vôi (travertine), còn bên trong là gạch nung. 
  • Trước đây trong mỗi ô của tầng 2 và tầng 3 được trang trí bằng tượng cẩm thạch rất công phu. 

Vì sao Colosseum hiện giờ bị khuyết mất một nửa vòng ngoài cùng? Sau khi Colosseum bị bỏ hoang vào thế kỉ thứ 6 và sau một vài trận động đất làm hư hại bớt công trình, người dân Roma lấy gạch đá từ Colosseum về xây các công trình quan trọng khác trong thành phố như Piazza Venezia, Piazza Barberini, v.v. 

Bên trong đấu trường Colosseum

Bên trong đấu trường được chia làm 3 khu: arena, cavea và podium. 

  • Arena là sàn đấu bằng gỗ, ngày trước được phủ cát để chống trượt và thấm máu của người và vật tham gia trận đấu. Dưới sàn đấu là tầng hầm nơi các con thú được nhốt và đưa lên sàn bằng hệ thống ròng rọc, gần giống với thang máy ngày nay. 
  • Khu cavea, tức là chỗ ngồi của người xem, được chia làm 3 loại: kị sĩ ngồi hàng thấp nhất, giới quý tộc sang chảnh thì hàng giữa mà dân thường ở hàng trên cùng. Hiện nay chỉ có thể thấy được một phần nhỏ ghế ngồi bằng đá còn sót lại bên trong đấu trường. 
  • Khu podium, hay còn gọi là khu VIP, chỉ có vua chuá, quan chức cao cấp mới được ngồi. 

Nói chung là cách phân chia chỗ ngồi cũng không khác mấy sân vận động ngày nay lắm hen?

Dau truong Colosseum 2
Quang cảnh bên trong đấu trường Colosseum

Mỗi lần vào trong, trước mắt Yến luôn hiện ra cảnh các võ sĩ giác đấu hùng hồn tiến vào khu arena, rồi các động vật hoang dã được từ từ kéo lên sàn bằng ròng rọc trong không khí hàng ngàn người hò reo vang dội. Lúc đó cảm giác mình cũng là một trong những người dân La Mã đang háo hức ngồi xem ở khán đài vậy.

Đấu trường Colosseum và Thiên Chúa Giáo

Nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy hình thánh giá được khắc trên tường ngoài của Colosseum và cả tượng thánh giá bên trong đấu trường. Đấu trường đặc biệt có mối liên hệ với Giáo hội Công giáo.

Trước đây khi một số tín hữu phản đối nạn nô lệ của Đế chế La Mã, nơi đây chứng kiến sự đổ máu của không biết bao nhiêu người theo Kitô giáo. Chính vì vậy hiện nay vào ngày thứ 6 Tuần Thánh hàng năm, Giáo Hoàng vẫn đến đây để chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại đấu trường.

Khám phá đấu trường Colosseum: Hình thánh giá bên ngoài đấu trường

Bây giờ tuy đấu trường không còn hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng những gì còn sót lại cũng đủ để ta cảm nhận được sự tài tình của người xây dựng và không khí hừng hực ngày trước thế nào. 

Cổng Khải Hoàn Môn Constantine (Arch of Constantine)

Ngay cạnh Colosseum có một cổng Khải Hoàn Môn dành cho hoàng đế Constantine. Đây là cổng khải hoàn môn lớn nhất thời La Mã cổ đại. Hầu như nhắc đến cổng Khải Hoàn Môn ở châu Âu đa số mọi người nghĩ về Paris đầu tiên. Thế nhưng các cổng khải hoàn môn ở Rome mới là phiên bản gốc. 

Cổng này được xây dựng năm 315 để ăn mừng chiến thắng của Constantine trong trận Maxentius. Con đường này trước đây là một phần trong tuyến đường khải hoàn, nơi mà những vị tướng thắng trận hiên ngang đi qua mỗi khi trở về lại thành phố. 

Bên cạnh đấu trường Colosseum là cổng Khải Hoàn Môn của Costantine

Đồi Palatine và Roman Forum

Sau buổi sáng cảm nhận không khí đẫm máu ở đấu trường Colosseum, bước qua đồi Palatine và khu Roman Forum ngay cạnh bạn sẽ được lạc vào trung tâm chính trị và văn hóa của La Mã. 

Các đống đổ nát, tàn tích gạch đá còn lại bây giờ trước đây là các dinh thự, đền thờ vô cùng lộng lẫy bằng đá cẩm thạch. Trước khi đến đây bạn nên đọc rất nhiều thông tin mới có thể cảm nhận được cái hay của khu này. Nếu không sẽ dễ có cảm giác chán vì không thấy gì ngoài gạch đá. 

Đồi Palatine

Đồi Palatine có lối vào ở Via di San Gregorio. Theo truyền thuyết, đây là nơi Romulus giết chết Remus, vốn là người em sinh đôi của mình, và thành lập ra Roma vào năm 753 TCN. Vì đây là ngọn đồi trung tâm của 7 ngọn đồi La Mã cổ đại, nên vào thời đó đây cũng là khu “sang chảnh” nhất, được rất nhiều Hoàng Đế chọn để xây dinh thự và sinh sống. Hiện giờ lên đồi sẽ thấy được tàn tích còn sót lại của dinh thự của Hoàng đế Domitian. 

Khu vực quanh đấu trường Colosseum: đồi Palatine

Quần thể Roman Forum và Imperial Forums

Khu Roman Forum nằm ngay cạnh đồi Palatine và đối diện Colosseum. Forum trong tiếng La Tinh có nghĩa là quảng trường, chợ hoặc nơi công cộng. Trước đây khu vực này vốn là một quảng trường rộng lớn với rất nhiều công trình quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, thương mại của La Mã cổ đại. Đây là nơi mà các quyết định chính trị và tư pháp quan trọng được ra đời, và cũng là nơi để người dân tụ họp để gặp gỡ, và giao thương. 

Nếu ai từng học Lịch sử văn minh thế giới hoặc biết về La Mã cổ đại sẽ từng nghe nói đến Viện Nguyên Lão và hoàng đế Caesar. Chính ở tại Roman Forum, viện Nguyên Lão và nền Cộng Hòa La Mã được ra đời. Trong quần thể rất nhiều công trình ở khu này có cả đền thờ và mộ của hoàng đế Caesar.  

Các điểm du lịch nổi tiếng ở Rome: quần thể Roman Forum

Con đường huyết mạch của toàn bộ khu vực là Via Sacra. Dọc hai bên đường có rất nhiều đền thờ thần, vốn là nơi tổ chức các nghi thức tôn giáo quan trọng, rồi nơi hội họp chính trị, tòa án và 2 cổng khải hoàn môn để chào mừng các chiến công La Mã. 

Phía bên kia đường Via dei Fori Imperiali có một khu tàn tích khác. Khu này được gọi là Imperial Forums, bao gồm 5 quảng trường của các hoàng đế La Mã khác nhau trong suốt thời Đế quốc La Mã (sau giai đoạn Cộng Hòa). Đây cũng là trung tâm chính trị, văn hóa và thương mại trong suốt hàng trăm năm. Đặc biệt khu chợ Trajan còn được xem là “trung tâm thương mại” cổ nhất thế giới.  

Quần thể Imperial Forums
Chợ Trajan trong quần thể Imperial Forums
Chợ Trajan được xem là trung tâm thương mại cổ nhất thế giới

Khu vực đấu trường Colosseum và quần thể di tích La Mã rất xứng đáng để bỏ tiền mua vé vào xem và dành trọn một ngày. Vào đây bạn sẽ cảm thấy tìm hiểu bao nhiêu cũng không đủ, mà xem nhiều vẫn chưa hiểu thực sự về nó. 

Các bạn nhớ tưởng tượng hết cỡ khi đến đây nha. Đảm bảo sẽ rất thích khi hình dung xung quanh mình là các võ sĩ giác đấu hết mình vì trận đấu ở Colosseum, hoàng đế La Mã oai hùng cùng đoàn người ngựa đi qua các cổng khải hoàn môn, rồi các thành viên Viện Nguyên Lão hội họp trong khu Roman Forum.

Chắc chắn đối với những ai yêu văn hóa và lịch sử thì đây là trải nghiệm không thể nào quên trong hành trình khám phá Rome của mình. 

Xem thêm: Kinh nghiệm và lịch trình du lịch ở Rome trong 3 ngày

Leave a Reply